Sói
› Máy tính, điện thoại và mặt cười

Pin dự phòng

Đây là một cục pin dự phòng. Có nơi gọi nó là sạc dự phòng, hoặc "cục tích". Các cậu biết rõ pin dự phòng là gì rồi. Đối với một số người, nó là một cục gạch nặng trịch cậu để trong túi mang đi khắp nơi nhưng không bao giờ dùng tới vì điện thoại vẫn còn tận 3% pin. Một số khác gọi nó là nguồn năng lượng thứ 2 của điện thoại, lúc nào cũng cắm điện thoại vào sợ hết pin, tới cái mức mà cục dự phòng trở thành pin chính còn pin trong máy trở thành pin dự phòng???

Đừng làm vậy.

Trước hết cậu cần chọn một cục pin phù hợp với nhu cầu sử dụng đã. Pin dự phòng hiện giờ có rất nhiều chủng loại, được phân loại theo 3 tiêu chí chính: Dung lượng (5000, 10k, 20k, 26700, 30k+ mAh), số lượng + loại cổng sạc (USB Type-A, USB Type-C; 2 cổng, 3 cổng, 4 cổng+), công suất sạc (12W, 20W, 45W, v.v).

Tớ sẽ giải thích cho cậu về các tiêu chí như thế này: Dung lượng pin càng lớn thì pin càng chứa nhiều điện, kích thước cân nặng cục pin càng lớn và giá càng cao. Số lượng và loại cổng sạc thì đa dạng, cậu cần loại nào mua loại đó. Công suất sạc cho điện thoại thông dụng khoảng 20-30W, laptop 13inch khoảng 45-65W, laptop lớn hơn thì 90W+. Nếu cậu cần một cục pin nhỏ gọn vì hiếm khi cần kíp, cậu nên chọn một cục 5000mAh. Nếu cậu thường xuyên mang cả chục thiết bị khi đi ra ngoài, một cục pin nhiều cổng sạc là sự lựa chọn phù hợp, và hãy chọn pin có công suất cao nếu cậu cần sạc laptop. Kiểu vậy.

Khi cậu đã mua một cục pin dự phòng về rồi, điều tiếp theo cần chú ý là sử dụng nó sao cho khoa học. Hãy cắm pin dự phòng sạc cho các thiết bị khi mức pin của chúng chạm mức 20% và rút ra khi chúng đã vượt 80%. Trên 80% máy sạc rất chậm, không cần cố làm gì, cầm thêm cục pin nặng vướng tay. Nhưng cũng đừng ngại dùng pin dự phòng dù chỉ một tí, vì tiền thay pin dự phòng rẻ hơn nhiều so với tiền thay pin chính của thiết bị của cậu. Cứ phá pin dự phòng thoải mái, đừng sợ chai.

Xiaomi Power Bank 3 Pro 20000mAh

Trong ảnh là cục pin Xiaomi Power Bank 3 Pro (20000mAh) mà tớ đã chọn mua với giá 900k. Không dễ gì để tìm được một cục pin dự phòng được đánh giá tốt như vậy với giá thấp như thế mà có đủ công suất sạc 45W để sạc được cho con laptop của tớ. Cục pin này giúp tớ an tâm mang laptop đi làm, đi café, đi du lịch mà không phải cầm theo mấy bộ dây sạc điện thoại laptop 2 mét dài loằng ngoằng và xông xáo tìm chọn chỗ ngồi gần ổ cắm điện. Điểm cộng của pin này là vỏ kim loại cứng cáp và mát lạnh, cùng với việc có thể sạc ra cổng USB-C mới. Điểm trừ, giống như mọi cục pin 20000mAh khác: to và nặng. Nó phải bằng 3 cái iPhone 15 chồng lên nhau ý.


Phụ lục:

  1. Đối với những người thích sự gọn nhẹ, có một số mẫu pin dự phòng được thiết kế dạng gắn kèm vào ốp điện thoại, có thể kèm cả ví tiền và thẻ ngân hàng. Ưu điểm: gọn nhẹ, ít cồng kềnh. Nhược điểm: Dung lượng thấp, nếu thay điện thoại có thể phải đổi pin mới.
  2. Cách tính tương đối để biết pin sạc được mấy lần cho thiết bị của cậu: Lấy dung lượng (số mAh) được quảng cáo (VD: 5k, 10k mAh) nhân với 3,7V (hiệu điện thế sạc vào), chia cho 5V (hiệu điện thế sạc ra), rồi chia cho dung lượng pin của thiết bị cần sạc sẽ ra số lần sạc tương đối khi sạc từ 0 lên 100% cho thiết bị đó. Ví dụ: cậu dùng cục 10k mAh sạc cho một chiếc iPhone 15 (3349mAh) thì không sạc được 3 lần mà chỉ được khoảng (10000x3,7/5)/3349 = 2,21 lần thôi. Hãy sử dụng thông tin này để tính toán thời gian sạc cho phù hợp.

Sói

11/04/2024


Góp ý về bài viết này